Khám phá, tìm hiểu Khu di tích Tây Yên Tử
Núi Yên Tử nằm trên cánh cung lớn Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc Việt Nam, sườn Đông của cáng cung này chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn Tây thuộc tỉnh Bắc Giang. Có thể nói Tây Yên Tử là nơi được thiên nhiên ưu ái, ban tặng những cảnh sắc tuyệt đẹp kỳ thú, là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc.Khu Di tích - Danh thắng Tây Yên Tử bao gồm Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử và hệ thống các điểm di tích, hầu hết được xây dựng dưới thời Lý - Trần gắn liền với thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập, thuộc địa phận các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Du lịch tâm linh - tây yên tử |
Hiện nay, dọc sườn Tây Yên Tử còn lưu lại nhiều di tích, công trình lịch sử văn hóa liên quan đến thời Lý - Trần. Tây Yên Tử gồm hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trải dài từ Sơn Động dọc theo sông Lục Nam xuống đến Yên Dũng, với hệ thống các chùa tháp, di tích lịch sử, cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú.
Theo thống kê hiện nay, hệ thống Tây Yên Tử có hàng chục di tích, danh thắng có giá trị nổi bật. Đặc biệt phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông... Mỗi ngôi chùa có những nét kiến trúc riêng và được xây dựng theo luật phong thủy, địa lý đẹp… ghi đậm dấu ấn Phật giáo thời Lý - Trần. Nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa là một trung tâm, là chốn tổ, có hệ thống tượng phật phong phú, linh thiêng, đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật giá trị nổi bật.
Một số di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu trong khu vực này là:
1. Chùa Vĩnh Nghiêm (thuộc địa phận thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang)
Căn cứ vào thư tịch cổ, nguồn di sản Hán Nôm hiện lưu giữ tại chùa cho biết chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng thời Lý (thế kỷ XI), có tên gọi là chùa Chúc Thánh. Đến thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), chùa được mở mang, tôn tạo và đổi tên là chùa Vĩnh Nghiêm.
Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc nơi có vị trí cảnh quan đẹp, đúng thế đất phong thủy của người xưa "đầu gối sơn, chân đạp thủy". Phía trước chùa là ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hợp long của sông Thương và sông Lục Nam, phía sau là dãy núi Cô Tiên, con Voi, con Lân huyền thoại, hai bên tả hữu là cánh đồng xanh tốt và khu dân cư trù mật. Trong nội dung văn bia đặt trước tòa tiền đường của chùa, soạn khắc năm Hoằng Định thứ 7 (1606) có miêu tả cảnh đẹp của địa thế chùa Vĩnh Nghiêm như sau: "Nay ở huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Nguyên, đạo Kinh Bắc, nước Đại Việt có một khu sùng phúc rõ là đất Tam Bảo. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao nghìn nhận, điệp điệp trùng trùng, bao bọc như hình long ổ. Ở chỗ hai ba con sông hợp lại, nước đầy ăm ắp, dào dạt, mênh mang, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Khoảng giữa đất trời thiêng liêng đó, có một ngôi chùa cổ, tên gọi Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ có một bầu trời riêng, truyền rằng đó là chùa Vĩnh Nghiêm, thật là một danh lam đứng đầu thiên hạ..." (Bia “Vĩnh Nghiêm công đức tự bi”, dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606)).
Hành hương về Yên Tử |
Chùa Vĩnh Nghiêm được nhìn nhận và tôn vinh là một trong những Trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần mang đậm bản sắc dân tộc, là nơi tổ chức và thành lập mô hình Phật giáo Nhất tông trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã có trước đó và cũng là mô hình Giáo hội Phật giáo cho các tổ chức Giáo hội sau này: “…Ông đã biến ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La, hiện nay ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc) thành trụ sở Trung ương của Giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ sơ của tăng, ni cả nước. Ông đã tổ chức nhiều lần độ tăng ni, mỗi lần không dưới một nghìn người. Cho đến năm Khai Hựu thứ 01 (1329) Pháp Loa đã độ được một vạn năm nghìn tăng ni. Nhiều người trở thành tăng ni thì hiển nhiên là phải xây dựng nhiều chùa” (Hà Văn Tấn,Chùa Việt Nam. HN 1992, tr. 12); “Kể từ triều Lý cách nay 883 năm mà rừng thiền rậm rạp, chùa chiền ngời ngời, vang vang tiếng ngọc, đông đúc môn đồ. Có được cái đó há chẳng phải do công đức to lớn như núi, mênh mông như sông nước các bậc tu hành hun đúc lên hay sao?” (Bia “Đức La xã, Vĩnh Nghiêm tự, sáng tạo lịch đại tu tác công đức bi”, dựng năm Bảo Đại thứ 7 (1932)). Những chứng cứ lịch sử nói trên đã phần nào giúp chúng ta thấy được sự hưng thịnh của chùa Vĩnh Nghiêm thời đó.
Điều đáng nói là cả ba vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) đều lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm Trung tâm truyền bá Phật pháp của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, là đại diện tiêu biểu, minh chứng cho sự khởi phát của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - quốc đạo, triết lý sống của dân tộc Việt thời Trần, còn tiếp tục được duy trì cho đến ngày nay và lan tỏa ra một số nước trên thế giới. Phật giáo Trúc Lâm là yếu tố quan trọng cố kết nhân tâm, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp các nhà chính trị thời Trần lãnh đạo toàn dân đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, thi hành chính sách thân dân, hoà hiếu với lân bang, xây dựng đất nước thịnh vượng.
Hơn 700 năm qua, Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã trải qua nhiều biến cố, gắn liền với sự diễn tiến thăng trầm của lịch sử Việt Nam nhưng vẫn được duy trì và phát triển. Ngày nay, tinh thần, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần vẫn được tăng, ni, phật tử ở Việt Nam tu học. Từ Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, tư tưởng của dòng thiền này lan rộng khắp các miền trong cả nước và lan tỏa ra khu vực và thế giới, riêng hệ phái Thiền Tông chủ trương khôi phục Phật giáo thời Trần đã có tới hàng chục vạn người đang tu học tại hơn 60 Thiền viện, Thiền tự trong và ngoài nước.
Có thể nói, chùa Vĩnh Nghiêm là Thánh tích quan trọng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng. Việc nghiên cứu về chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn lao trong quá trình khôi phục diện mạo Phật giáo nhất Tông đời Trần. Với vai trò thiết yếu đó, Vĩnh Nghiêm xứng đáng được tôn vinh là chốn tổ cho muôn đời kế thừa, phát huy bằng tất cả đạo tâm, đạo hạnh và đạo lực của người con Phật.
Chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý như: hệ thống tượng thờ, đồ thờ, các bức phù điêu, chạm khắc, hệ thống văn bia, hoa văn trên kiến trúc... Đặc biệt kho Mộc bản với hơn 3 nghìn bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 15 tháng 5 năm 2012.
Non thiêng - Tây Yên Tử |
Di tích chùa Am Vãi tọa lạc ở trên một địa thế đẹp gắn liền với phong cảnh núi rừng tự nhiên, tạo nên một thắng cảnh tuyệt vời. Tương truyền chùa Am Vãi được xây dựng từ thời Lý và nằm trong hệ thống các chùa tháp được phát triển ở thời Trần dọc theo sườn Tây dãy Yên Tử khi đạo Phật ở vào giai đoạn cực thịnh.
3. Khu di tích - danh thắng Suối Mỡ (thuộc địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang)
Suối Mỡ là tên một con suối bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hồ Chuối chảy xuôi dòng theo núi Huyền Đinh - Yên Tử, tạo ra nhiều thác và những bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Dọc theo ven suối có đền Thượng, đền Trung, đền Hạ phụng thờ công chúa Quế Mỵ Nương con gái vua Hùng Định Vương, được phong là Thượng Ngàn Thánh Mẫu. Khu vực rừng suối nước Vàng nằm trên dãy Phật Sơn - Yên Tử, có thắng cảnh thiên nhiên đẹp, dòng suối độc đáo với 24 ngọn thác là một điểm thăm quan kỳ thú. Quanh khu vực này có nhiều di tích lịch sử như: chùa Đồng Vành, đền Bản Phủ thờ vua Trần và các hoàng hậu, công chúa thời Trần…
Một số di tích trong khu vực này gắn với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử còn phải kể đến như: đền Trần, chùa Hồ Bấc.
4. Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (thuộc địa phận của huyện Lục Nam và Sơn Động, tỉnh Bắc Giang)
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử được thành lập tại Quyết định số 117/2002/QĐ-UBND ngày 22/7/2002 của UBND tỉnh Bắc Giang, có diện tích 13.022,7 ha rừng và đất rừng đặc dụng và vùng đệm 11.765,4 ha.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử nằm ở vị trí sườn Tây núi Yên Tử, chiếm phần lớn diện tích rừng tự nhiên trong quần thể các dãy núi thuộc cánh cung Đông Triều. Đây là khu rừng tự nhiên tập trung lớn nhất của tỉnh Bắc Giang, nối liền với diện tích rừng thường xanh của tỉnh Quảng Ninh.
Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, rừng tự nhiên ở khu vực núi Yên Tử không chỉ chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao, mà còn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cung cấp nước cho vùng hạ lưu thuộc Đông Bắc Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, có tới 728 loài thực vật và 285 loài động vật rừng đã được ghi nhận tại đây.
Bên cạnh những giá trị đa dạng sinh học, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, như: Thác Giót, thác Ba Tia, bãi Đá Rạn, Ao Vua, Hồ Tiên, suối Nước Vàng, suối Nước Trong.
Cảnh đẹp Tây Yên Tử |
5. Các di tích, danh lam thắng cảnh khác thuộc Khu Di tích - Danh thắng Tây Yên Tử
Khu Di tích - Danh thắng Tây Yên Tử còn nhiều địa điểm danh lam thắng cảnh và hàng loạt các di tích liên quan tới triều Trần và thiền phái Trúc lâm Yên Tử, như: chùa Cao, chùa Hòn Tháp, chùa Non, chùa Bình Long (huyện Lục Nam); Vũng Tròn, Khe Rỗ (xã An Lạc, huyện Sơn Động), khu Đồng Thông, thác Ba Tia (xã Tuấn Mậu và thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động) nằm ngay dưới chân chùa Đồng thuộc Khu Di tích và danh thắng Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh).
Nguồn: wikipedia
Đăng nhận xét