0

Khu di tích Đông Yên Tử - Du lịch lễ hội, tâm linh

      Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử có tổng diện tích khoảng 9.295 ha, gồm các công trình kiến trúc tôn giáo: chùa, am, tháp được xây dựng từ thời Lý, theo tuyến đường trải dài từ Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử thuộc phường Phương Đông, xã Thượng Yên Công (thành phố Uông Bí) và xã Hồng Thái Đông (thị xã Đông Triều), tỉnh Quảng Ninh.

Một số di tích tiêu biểu trong khu du lịch lễ hội Đông Yên Tử là:


1. Chùa Bí Thượng (làng Bí Thượng, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) được khởi dựng vào cuối thời Hậu Lê, trên sườn phía Nam của một quả đồi dốc. Chùa đóng vai trò chùa Trình trước khi hành hương lên Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.

2. Chùa Suối Tắm (phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), là ngôi chùa gắn liền với truyền thuyết về việc Thượng hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành đã nghỉ lại tắm ở dòng suối này nên gọi là Suối Vua tắm hay Suối tắm.

3. Chùa Cầm Thực (thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí và xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) được xây vào thời Trần, trên một quả đồi tròn có dáng hình mâm xôi, kiến trúc hình chữ “nhất”, gồm 6 gian. Trải qua thời gian, chùa xưa bị phá và được trùng tu lại nhiều lần. Vào giữa thế kỷ XX, chùa bị san bằng vì địch hoạ, chỉ còn lại nền móng, vài cây tháp đổ và một lăng xây vào thời Nguyễn. Tuy chỉ là những dấu vết ít ỏi nhưng nó cũng đủ để cho ta biết về sự hiện diện của ngôi chùa trong quá khứ. Dựa trên những dấu tích đó, vào năm 1993 chùa đã được dựng lại trên nền cũ.
Nô nức chảy hội Yên Tử
Nô nức chảy hội Yên Tử
4. Chùa Lân (thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) được xây dựng từ thời Trần, là ngôi chùa thứ tư trên đường từ Dốc Đỏ vào Yên Tử. Tên chùa Lân còn được nhân dân địa phương hiểu theo tích: Ngày xưa, vào mùa mưa, vùng Nam Mẫu ngập trắng nước, suối chảy mạnh, muốn vào chùa phải dùng bè mảng, nhà chùa phải căng dây cho khách bám, lân dây đi vào. Do việc lân dây lên chùa lâu dần trở thành quen mỗi khi mùa nước ngập, nên chùa có tên chùa Lân.

5. Chùa Giải Oan (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) được xây dựng vào thời Trần, chùa nằm ẩn mình bên chân núi, phía trước là suối Giải Oan. Truyền thuyết kể lại: Khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia đến núi Yên Tử tu hành, không muốn vua cha đi tu, vua Trần Anh Tông ngầm sai các cung tần mỹ nữ tìm đến đây can ngăn, xin vua trở lại triều đình, nhưng Trần Nhân Tông vẫn quyết định ở lại Yên Tử và khuyên họ trở về làm lại cuộc đời. Để tỏ lòng trung với vua, họ đã trẫm mình dưới suối. Một số trong các cung phi đó bị chết đuối nên Trần Nhân Tông đã cho lập đàn để cúng giải oan cho linh hồn các cung phi ấy. Nơi dựng đàn tràng sau được dựng chùa gọi là chùa Giải Oan. Chùa Giải Oan vốn linh thiêng có tiếng. Chùa tựa lưng vào vách núi, phía trước chùa là dòng suối tuôn róc rách suốt đêm ngày, rì rào như hát khúc Thiền ca bất tận. Phía bên chùa là con dốc mang tên Hạ Kiệu nơi mỗi lần về thăm vua cha tu hành ở Yên Sơn, hoàng đế Trần Anh Tông lúc tới đây xuống kiệu đi bộ vào. Từ đây có thể thấy ngọn núi Yên Tử cao vời vợi, mây trắng phủ đầy, núi lẫn với trời mây. Một khắc mây tan, núi trông như một chiếc đầu rồng. Có hai dãy núi bên tả và bên hữu nối tiếp với đầu rồng khá cân xứng, tạo thành tay ngai bao quanh chùa. Có thể nói chùa ở địa thế rất đẹp với thế đất phong thủy càng khiến cho chùa linh thiêng hơn.

6. Chùa Hoa Yên (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), được xây dựng từ thời Lý. Ban đầu là một am nhỏ, sau dựng thành chùa mái lợp bằng lá cây rừng gọi là chùa Vân Yên. Vân nghĩa là mây, Yên nghĩa là khói, chùa ở độ cao 600m nên những làn mây trắng mỏng bay qua trông như những làn khói nên gọi là Vân Yên. Chùa tọa lạc trên lưng chừng núi, trong một địa thế hùng vĩ, là một ngôi chùa còn giữ lại ít nhiều dấu tích xưa, chùa được xây dựng trên một triền núi rộng thoai thoải, những người xây dựng đã dựa vào thế núi mà bạt thành hai cấp nền lớn có bó đá chắc chắn.Thời Lê khi vua Thánh Tông lên vãn cảnh chùa, thấy cảnh trí nơi đây tuyệt đẹp, trăm hoa đua nở, mây kết thành hoa, giăng trước cửa nên đổi tên thành chùa Hoa Yên.

Xưa chùa Hoa Yên là ngôi chùa chính của cả hệ thống chùa Yên Tử và được nhắc nhiều trong sử sách. Ngoài tiền đường, thượng điện để thờ phật, chùa còn có rất nhiều công trình phụ trợ khác. Theo sử cũ thì sau khi lên Yên Tử tu hành và đắc đạo, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã thường xuyên mở các lớp truyền yếu kỷ Thiền tông cho các đệ tử, Pháp Loa, Huyền Quang, Bảo Sái, Pháp Không và các đệ tử khác ở đây.

Khi Pháp Loa được truyền y bát và trở thành đệ nhị Tam Tổ, chùa Hoa Yên được Pháp Loa cho xây dựng lại to lớn và nguy nga hơn. Chùa có tiền đường, thượng điện để thờ Phật, chùa còn có lầu trống, lầu chuông, nhà nghỉ khách, nhà dưỡng tăng, nhà in kinh, nhà giảng đạo... tạo thành một quần thể kiến trúc to lớn.

Từ chùa Giải Oan đi tới chùa Hoa Yên trên con đường có hai hàng tùng cổ thụ được trồng từ thời Trần vẫn đứng uy nghiêm với tuổi thọ hơn 700 năm, thân rắn chắc, rễ bám vào vách núi bò lan trên mặt đường như những con rắn khổng lồ tạo bậc vững chắc đỡ chân phật tử về nơi cõi phật, tán lá mềm mại, xanh thẫm toả rộng như những chiếc lọng khổng lồ che rợp con đường hành hương của Phật tử.
Chùa ĐỒng Yên Tử
Chùa ĐỒng Yên Tử
Cách đường Tùng không xa là những bạt Trúc với vẻ đẹp thanh bạch, tao nhã và sức sống dẻo dai, tương truyền những rặng trúc này cũng được trồng khi Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành.

Qua đường tùng và đường trúc tiếp tục hành hương qua khu tháp Hòn Ngọc, khu tháp Tổ rồi đến chùa Hoa Yên, qua đây chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng hệ thống tháp đa dạng và phong phú của các thế hệ thiền sư phái Trúc Lâm đã đến đây tu thiền và đi vào cõi vĩnh hằng.

6.1. Cụm Tháp Hòn Ngọc (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Hòn Ngọc xưa kia tương truyền là nơi hàng năm khi Hoàng Đế Trần Anh Tông lên vấn an vua cha Trần Nhân Tông ngài thường cho dừng lại ở đây và tiếp tục đi bộ lên chùa nên gọi là dốc Voi Quỳ. Cạnh dốc voi quỳ là khu tháp Hòn Ngọc, đây là một gò đất khá rộng, bằng phẳng, ở độ cao 400m so với mặt nước biển, ở độ cao này gió đông nam thổi lồng lộng, phong cảnh tuyệt đẹp. Trên Hòn Ngọc là cụm tháp của những nhà sư tu hành ở đây từ cuối Lê cho đến đầu thời Nguyễn, gồm: 4 ngọn tháp đá và gạch, ba ngọn tháp đá còn tương đối nguyên vẹn và một ngọn tháp gạch, ngoài ra còn có năm ngôi mộ của các nhà sư tu hành tại Yên Tử không rõ tên.

6.2. Khu Tháp tổ (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Qua vườn tháp Hòn Ngọc, đi tiếp khoảng 300m, đường dốc đứng được xếp đá chắc chắn là lên sân của vườn tháp Tổ. Đây là vườn tháp trung tâm của toàn bộ khu di tích Yên Tử, giữa vườn là tháp Huệ Quang, nơi đặt xá lỵ của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm đệ nhất tổ, quanh tháp Huệ Quang có tường xây bằng gạch, lợp bằng ngói mũi hài thời Trần. Hiện nay, vườn tháp còn lại 64 ngọn tháp và mộ.

7. Chùa Một Mái (thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Nằm nép mình bên sườn núi ở vị trí cao giữa lưng trời, một nửa chùa ẩn sâu trong hang núi, nửa còn lại phô ra bên ngoài chỉ có một phần mái đúng như tên gọi của chùa, tên dân gian gọi là chùa Bán Mái. Thời Trần, đây chỉ có một am nhỏ gọi là Am ly trần. Cảnh am tĩnh lặng, thanh thoát, cách xa nơi trần tục (ly trần). Thượng hoàng Trần Nhân Tông thường sang đây đọc sách, soạn kinh. Các văn từ, thư tịch được lưu trữ ở đây, sau khi ngài hiển Phật, người sau mới lập chùa ở Am này.

8. Am Ngự Dược, am Thung (thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)
Du lịch Tâm Linh - dâng hương thành kính
Du lịch Tâm Linh - dâng hương thành kính
Am Ngự Dược chính là nơi nghiên cứu bào chế thuốc, còn am Thung là nơi sản xuất thuốc. Các loại thảo dược ở núi Yên Tử được thu hái mang về, bào chế thành những viên thuốc Hồng Ngọc Sương. Những viên thuốc quý này không chỉ chữa bệnh cho các nhà Thiền sư tu hành tại Yên Tử, mà còn cung cấp cho triều đình, ban phát cứu dân những phen tràn dịch bệnh, đồng thời cũng là nơi đức vua Trần Nhân Tông thực hiện ước mơ từ thời còn tấm bé. Thuở nhỏ, Hoàng tử Trần Khâm đã thể hiện là người thông minh, hiếu học, học một biết mười. Một bộ sách chép tay mấy trăm bài thuốc dân gian chữa bệnh bằng cỏ cây thảo dược của nước Nam mang tên Nam dược thần hiệu trong kệ sách nhà vua được Hoàng tử say mê đọc suốt mấy hôm liền. Nhiều câu trong đó Hoàng tử đã thuộc lòng, ví như: “da lông thuộc phế, cơ nhục thuộc tỳ, những loại bệnh có triệu chứng đau hoặc lở ngứa tất thảy thuộc về tâm”. Bộ sách mô tả kĩ lưỡng rất nhiều loại cây thuốc, dược liệu có sẵn nơi núi rừng, thôn dã chuyên trị các bệnh của nhân gian. Bộ sách điểm tên nơi có nhiều thảo dược quý giá như núi rừng Yên Tử. Hoàng tử ước ao mai sau lớn lên có một ngày nào đó sẽ cùng các ngự y của triều đình đi khắp chốn rừng sâu núi thẳm, bờ sông bãi sú nước Đại Việt tìm kiếm cây cỏ, dược liệu bào chế thuốc, cấp phát cho dân, cứu bách gia trăm họ thoát khỏi bệnh tật tang thương khi dịch bệnh hoành hành. Và khi lên Yên Tử tu hành, ngài đã thực hiện việc xây dựng nơi nghiên cứu và bào chế thuốc bằng nguồn dược liệu từ núi rừng Yên Tử.

9. Chùa Bảo Sái (thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Khi vua Trần Nhân Tông tu hành ở Yên Tử mới chỉ có am trong động (gọi là ghườm đá ở phía sau bên phải chùa hiện nay). Am được gọi là Ngô Ngữ Viện, đây là nơi tu hành của Bảo Sái, đệ tử thân tín với Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Ông được vua Trần giao cho công việc biên tập và ấn tống tất cả các kinh văn của Thiền Phái Trúc Lâm để truyền giảng phật tông cho các phật tử trong cả nước Đại Việt.

2.1.10. Chùa Vân Tiêu (thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Ban đầu có tên là am Tử Tiêu, thời Trần, khi Trần Nhân Tông lên tu hành đã dựng am tại đây để ở, về sau mới xây dựng chùa. Từ chùa chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ quang cảnh của bến xe Giải Oan và thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, thậm chí xa hơn nữa ta còn nhìn thấy cả thành phố Hải Phòng, dòng sông Bạch Đằng đang chảy nhìn như một dải lụa mềm mại, chính vị trí đắc địa này nên khi lên Yên Tử tu hành, Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để lập am thất.

11. Chùa Đồng (thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Vào thời Thượng hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành chưa có chùa, ở đó chỉ có một hòn đá vuông phẳng thật lớn, ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, là đỉnh cao nhất của dãy núi Yên Tử, phía sau là vách núi dựng đứng thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, Ngài đã chọn nơi đây làm nơi tĩnh thiền. Vào thời Lê (1428 - 1527) chùa được bà vợ chúa Trịnh công đức xây dựng, toàn bộ kết cấu kiến trúc cũng như đồ thờ tự trong chùa đều được tạo tác bằng đồng, để phù hợp với không khí ẩm ướt quanh năm ở nơi đây. Song do sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên chùa bị hư hỏng và đã trải qua nhiều lần trùng tu, năm 2007 chùa được xây dựng lại như ngày nay.

12. Rừng quốc gia Yên Tử (thuộc địa bàn 02 xã Thượng Yên Công và phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)

Rừng Quốc gia Yên Tử với tổng diện tích 2.783 ha bao trọn các điểm di tích của Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử kể trên (có ranh giới phía Bắc giáp Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử của tỉnh Bắc Giang), tỷ lệ che phủ của rừng chiếm 80% diện tích, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên chiếm 64,6%. Trong đó có 321ha rừng hầu như chưa bị tác động bao gồm các ưu hợp, loài cây ưu thế sinh thái đặc trưng cho vùng Đông Bắc như: táu mặt quỷ, táu muối, sến mật, chẹo, giẻ, trâm... trữ lượng bình quân 218m3/ha.

Rừng Yên Tử phân làm 2 vùng khí hậu:


- Từ độ cao 700m trở xuống khu vực Vân Tiêu, Bảo Sái là rừng Nhiệt đới, rừng nhiều tầng đa dạng sinh học.

- Từ độ cao 700m trở lên là rừng Á nhiệt đới, quanh năm mây phủ, ẩm ướt.

Theo thống kê, rừng quốc gia Yên Tử có 830 loài thực vật, trong đó có 38 loài đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam là Ngành dương sỉ, Ngành hạt trần và Ngành hạt kín. Các loại cây như: Gụ, Lau, Vàng Kiêng, Thông Tra, Thông Tra lá ngắn, Tùng La Hán, Giổi Xanh, Giổi Đỏ, Sến Mật, Đinh Thối, Vù Hương... Những loài cây gắn bó với Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền Phái Trúc Lâm, gồm:

- Cây Tùng cổ có tuổi 700 năm, hiện còn 242 cây tập trung ở khu vực Đường Tùng, Am Dược, Chùa Hoa Yên lên Thác Vàng, Thác Bạc; khu vực Chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ...

- Cây Đại cổ hiện còn 13 cây, còn in dấu phong sương, trường tồn cùng Thiền Phái Trúc Lâm đến ngày nay tại khu vực Chùa Hoa Yên, Tháp Tổ...

- Những rừng Trúc bạt ngàn (Thiền Phái Trúc Lâm) và những cây Mai vàng Yên Tử nở rực rỡ vào mùa xuân.

Rừng quốc gia Yên Tử có hệ động vật phong phú và đa dạng: với 35 loài thú, 77 loài chim, 34 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư. Có một số loài động vật quý hiếm còn được bảo vệ ở Yên Tử như: Cu ly lớn, Khỉ mặt đỏ, Vọoc mũi huyếch, Khỉ nước rái cá, Sơn dương, Sóc bay lớn, Rồng đất, Trăn, các loài Rắn, Rùa vàng....

nguồn : wikipedia

Đăng nhận xét

 
Top