Các di tích trong khu du lịch tâm linh Yên Tử
Khu di tích lịch sử nhà Trần - Yên Tử
Khu di tích lịch sử Nhà Trần - Đông Triều là một quần thể di tích cổ từ thời nhà Trần trên mảnh đất cổ An Sinh (nay là Đông Triều) với tổng diện tích khoảng 22.063 ha, với nhiều di tích như: đền, miếu, chùa, tháp, lăng mộ của vua,… Đa phần các di tích này nằm trên địa bàn các xã An Sinh, Bình Khê, Tràng An, Thủy An của thị xã Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh.
Di tích chùa Yên Tử |
Đông Triều được chính sử ghi là quê gốc của nhà Trần, sau đó họ Trần chuyển về Nam Định rồi phát tích đế vương ở đó. Trong sách Đại Nam nhất thống chí (tập III, trang 399, phần Lăng mộ) viết: "Bia thần đạo ở Yên Sinh nói rằng tổ tiên nhà Trần vốn là người Yên Sinh, huyện Đông Triều, sau dời đến hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, vậy nên các vua Trần đều được an táng ở Yên Sinh, mà khi nhường ngôi xuất gia, ở ẩn cũng lấy Yên Sinh làm nơi tu ẩn". Cũng theo gia phả họ Trần thì tổ tiên nhà Trần nhiều đời cư trú ở An Sinh, đàn ông làm nghề chài lưới, đánh bắt hải sản, có sức vóc khỏe mạnh, hơn người, lại biết thêm võ nghệ để chống chọi với cướp biển, đàn bà ở nhà canh tác ruộng vườn và dệt cửi. Về sau có Trần Kinh (có tài liệu ghi Trần Công), nhân một lần đi xa đánh bắt cá và bán hải sản, phát hiện thấy vùng ven biển lộ Thiên Trường có nhiều đất bồi có thể khai thác thành ruộng vườn để canh tác, định cư lâu dài. Sẵn có những người làm thuyền trong nhà, mộ thêm lưu dân, ông đã về vùng đất này đắp đê lập ấp đặt tên là Tức Mặc (nay là xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) rồi phát tích đế vương từ đây. Sách Đông Triều huyện phong thổ ký (sách chữ Hán chép tay) ghi: "Tổ tiên nhà Trần cư ngụ ở xã An Sinh, nhiều người làm nghề chài lưới, sau này mới chuyển xuống ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, cho nên các vị đế vương của triều Trần đều đưa về an táng ở xã An Sinh. Nay ngôi miếu cổ ở xã An Sinh tổng Mễ Sơn thờ 8 vị hoàng đế của triều Trần, lăng tẩm trong núi đều nằm ở xã này".
Năm 1381, để tránh nạn người Chiêm vào cướp phá, nhà Trần đã cho chuyển toàn bộ các lăng ở Thái Bình, Nam Định... về An Sinh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Nhà xuất bản. Khoa học xã hội, 1998, tập II, tr.168) ghi "Tháng 6, rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương (Nam Định), Thái Đường (Hưng Hà, Thái Bình), Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp". Sau khi chuyển về Yên Sinh triều đình đã cho xây dựng khu lăng lớn là Lăng Tư Phúc, Ngải Sơn lăng và xây dựng một điện thờ lớn gọi là Điện An Sinh (nay thường gọi là Đền Sinh) để thờ cúng.
Đông Triều là vùng đất cổ có nhiều Di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc qua các thời kỳ lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống các Di tích lớn như: Khu lăng mộ, đền, miếu, chùa, tháp thời Trần với kiến trúc độc đáo, bên trong ẩn chứa một kho tàng tư liệu Hán Nôm quý báu gồm hoành phi, văn bia, câu đối, đại tự, sắc phong… Với nhà Trần, Đông Triều không chỉ là quê gốc mà còn là một trung tâm văn hóa tiêu biểu đặc sắc.
Yên tử - điểm đến du lịch tâm linh |
Một số di tích tiêu biểu trong khu vực này phải kể đến các ngôi chùa có liên quan trực tiếp tới Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc lâm Yên Tử, đó là:
1. Am - chùa Ngọa Vân (thuộc địa bàn thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Thời Trần, khi thượng hoàng Trần Nhân Tông đến với núi rừng Yên Tử để tu hành, Ngài đã tạo dựng ở đây một am nhỏ để tu thiền, sau khi Ngài tịch các thế hệ nối tiếp đã xây dựng thêm ở đây nhiều công trình phật giáo phục vụ cho việc hành đạo nên mới gọi là chùa Ngọa Vân.
"Ngọa Vân" nghĩa là nằm trong mây, di tích nằm trên núi Bảo Đài, ở độ cao hơn 600m so với mặt nước biển, xung quanh là thảm thực vật rừng vô cùng phong phú, quanh năm mây bao phủ nên nhân dân ta đặt tên là am - chùa Ngọa Vân.
2. Chùa Quỳnh Lâm (thuộc địa bàn xã Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Được xây dựng trên quả đồi thấp, thuộc triền núi vòng cung Đông Triều kéo từ Yên Tử xuống, xung quanh quả đồi là núi non bao bọc trông giống như hình viên ngọc quý giữa rừng nên đặt tên là Quỳnh Lâm. Theo nghĩa Hán Việt thì “Quỳnh” là ngọc mầu đỏ, “Lâm” là rừng (xưa kia chùa thuộc xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), nay thuộc trung tâm xã Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Thời Trần, chùa Quỳnh Lâm được xây dựng khang trang trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của đất nước. Đặc biệt thời kỳ Pháp Loa (tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm) làm chủ giáo hội Phật giáo, năm 1317, ông cho mở mang và xây dựng chùa thành một trong những trung tâm đào tạo lớn của Thiền phái Trúc Lâm.
Đền chùa Tháp - du lịch tâm linh |
3. Lăng Tư Phúc (thuộc địa bàn thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Lăng Tư Phúc là nơi thờ thần vị của hai vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông (1226 - 1258) và Trần Thánh Tông (1258 - 1278) được chuyển từ Nam Định và Thái Bình về đây năm 1381. Theo nghĩa Hán Việt thì tư là nương nhờ, phúc là những sự tốt lành, vì vậy tên lăng còn hàm nghĩa là nơi lưu giữ, hoặc là nơi mang đến mọi sự tốt lành.
4. Thái lăng (lăng Đồng Thái) (thuộc địa bàn thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Là lăng vua Trần Anh Tông (1293 - 1314), vị vua thứ 4 của nhà Trần và phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ hoàng hậu (vợ ông). Lăng được xây dựng tại xứ đồng Thái nên lấy tên địa danh đặt tên lăng.
5. Mục lăng (lăng Đồng Mục), (thuộc địa bàn thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Là lăng vua Trần Minh Tông (1314 - 1329), vị vua thứ 5 của nhà Trần. Lăng được xây dựng tại xứ đồng Mục nên lấy tên địa danh đặt tên lăng.
6. Ngải Sơn lăng (Ngải lăng hay An lăng), (thuộc địa bàn thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Là lăng mộ vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341), vị vua thứ 6 của nhà Trần. Lăng xây dựng tại xứ Ngải sơn ở An Sinh nên lấy tên địa danh đặt tên lăng. An lăng là tên cũ của lăng ở Thái Bình, an là bình yên, cầu mong sự yên bình.
7. Phụ Sơn lăng (Phụ lăng hay Phụ Xứ lăng), (thuộc địa bàn xóm Mới, thôn Bãi Dài, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Là lăng mộ vua Trần Dụ Tông (1341-1369), vị vua đời thứ 7 nhà Trần. Lăng được xây dựng tại gò Phụ xứ nên lấy tên địa danh đặt tên lăng.
8. Nguyên lăng (Đồng Hỷ lăng hay Chiêu lăng), (thuộc địa bàn xã Đốc Trại, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Là lăng vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372), vị vua thứ 8 đời nhà Trần. Nguyên nghĩa là gốc tích, tên lăng được đặt để ghi nhớ sự nghiệp khôi phục lại gốc tích nhà Trần của vua Trần Nghệ Tông. Đồng Hỷ là tên xứ đồng đặt lăng nên lấy tên địa danh đặt tên lăng. Còn Chiêu là tự rước họa vào thân, tên Chiêu lăng cũng có ý chỉ về sự sai lầm của vua Trần Nghệ tông khi quá tin tưởng Hồ Quý Ly dẫn đến sự suy vong của nhà Trần.
9. Hy lăng (Đồng Hy lăng), (thuộc địa bàn núi Ngọc Thanh, thôn Đạm Thủy, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Là lăng mộ giả của vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377), sau này xây dựng thêm lăng mộ vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398). Lăng táng tại xứ Đồng Hy nên lấy tên địa danh đặt tên lăng.
10. Đền An Sinh (vốn là điện An Sinh), (thuộc địa bàn xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Được xây dựng vào thời Trần, thế kỷ XIV, là nơi thờ Ngũ vị Hoàng đế nhà Trần: Anh Tông hoàng đế, Minh Tông hoàng đế, Dụ Tông hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế và Khâm minh Thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế (có thể là An Sinh vương Trần Liễu). Đền được xây dựng tại làng An Sinh nên được đặt tên theo tên làng.
11. Đền Thái (Thái tổ miếu, Thái miếu), (thuộc địa bàn thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Được xây dựng từ đầu thời Trần và là nơi thờ các vị vua đầu triều của nhà Trần, nhân dân trong vùng thường gọi tắt là đền Thái. Sang thời Nguyễn đền bị hư hỏng, nhân dân xây dựng lại thành đình thờ các vua Trần nên còn gọi là đình Đốc Trại.
Đổ xô thăm hội Yên Tử |
Là nơi ở trong 10 năm cuối đời của Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu, vợ của vua Trần Anh Tông (mẹ của vua Trần Minh Tông). Khi rước linh cữu vua Trần Anh Tông về táng ở Thái lăng, bà đã rời bỏ Kinh thành về đây dựng am cỏ để sinh sống và phụng thờ, chăm sóc lăng mộ của chồng, bà mất vào mùa Thu, tháng 7 năm 1330. Hiện nay ở đây chỉ còn lại dấu tích nền móng.
13. Chùa Trung Tiết (thuộc địa bàn thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Theo nghĩa Hán Việt thì “trung” là trung hiếu và “tiết” là tiết nghĩa, tên gọi của chùa hàm ý ca ngợi tấm lòng trung thành của Đặng Tảo và Lê Chung, hai vị bề tôi trung thành của thượng hoàng Trần Anh Tông.
Lúc Thượng hoàng Trần Anh Tông lâm chung, Thái học sinh Đặng Tảo ngồi hầu bên giường ngự để viết di chiếu. Sau khi Thượng Hoàng mất, ông và Gia nhi chủ đô là Lê Chung đã tự nguyện về An Sinh dựng lều để trông coi lăng mộ thượng hoàng là Thái lăng, sau đó dời cả gia đình, mồ mả tổ tiên về An Sinh để tiện việc chăm sóc. Sau khi Lê Chung và Đặng Tảo chết, cảm động trước lòng trung nghĩa của hai vị, vua Trần Nghệ Tông đã sai Trần An xây dựng chùa trên khu đất vốn là lều của hai ông và đặt tên là chùa Trung Tiết nhằm ghi nhận tấm lòng của các ông, đồng thời cấp cho ruộng để thờ cúng.
14. Chùa Hồ Thiên (tên chữ là Trù Phong tự), (thuộc địa bàn xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh)
Tương truyền, dưới thời Trần, Hồ Thiên là chốn tu hành của các vị cao tăng. Sau khi kết thúc khóa học ở Quỳnh Lâm Viện, các cao tăng được chuyển về Hồ Thiên để tiếp tục tu hành.
Chùa nằm ở phía nam núi Phật Sơn, được xây dựng trên núi Trù Phong ở độ cao 580m so với mặt nước biển. Theo nghĩa Hán Việt thì Hồ thiên nghĩa là Hồ nước của trời. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết: "Chùa Hồ Thiên ở xã Phú Ninh, huyện Đông Triều, dựng từ triều Trần lâu ngày đổ nát, nay vẫn còn dấu vết cũ. Trước chùa có hồ sen, lại có đôi chim hạc thường bay đi bay về". Vì nằm trên núi cao, lại có hồ sen nên chùa được đặt tên là: chùa Hồ Thiên.
Du lịch Tâm linh - Yên Tử |
Ở đây có cả đạo quán và chùa nên gọi chung là chùa - quán Ngọc Thanh. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì cả chùa và quán Ngọc Thanh đều được xây dựng vào đời Xương Phù (đời vua Trần Giản Hoàng (1377 - 1388), Miếu hiệu Phế đế). Sau này đạo lão không còn phát triển nên nhân dân thường gọi chung là chùa Ngọc Thanh.
nguồn: sưu tầm
Đăng nhận xét