0


Đền Kiếp Bạc - Hải Dương
Đền Kiếp Bạc - Hải Dương

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai gồm 03 khu di tích nằm tách biệt nhau, gồm: Khu di tích Côn Sơn, Khu di tích Kiếp Bạc và Chùa Thanh Mai, có tổng diện tích khoảng 18ha. Là khu du lịch tâm linh nổi tiếng với quần thể di tích cổ khá phong phú.

Một số di tích tiêu biểu trong Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai:


1. Chùa Côn Sơn (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Công Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Cuối thế kỷ XIII, Đệ nhất thánh tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dựng chùa Côn Sơn để đào tạo tăng ni, phát triển đạo pháp. Năm 1329, Đệ nhị thánh tổ Pháp Loa xây dựng và mở rộng phong cảnh Côn Sơn. Năm 1330 - 1334, Đệ tam thánh tổ Huyền Quang về chùa Côn Sơn trụ trì và thuyết pháp.
Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn
Hiện nay, chùa Côn Sơn còn dấu ấn kiến trúc thế kỷ XIV, XVII, XVIII gồm các công trình: Hồ Bán Nguyệt, Tam quan, Lầu chuông, gác trống, Phật điện, Tổ đường, tả hữu hành lang, vườn tháp, giếng ngọc, Am Bạch Vân và 5 miếu thờ “Tứ Độc Sơn Xuyên” (trời đất sông núi) trên núi Ngũ Nhạc.

2. Đền thờ Nguyễn Trãi (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)
Đền thờ Nguyễn Trãi
Đền thờ Nguyễn Trãi
Ngôi đền hiện nay được tu bổ, tôn tạo lại trên diện tích 10.000m2 với 15 hạng mục công trình. Đền chính rộng 200m2, kiến trúc theo kiểu chữ Công. Các bức cốn, đầu dư đều chạm lộng, chạm bong, theo phong cách cổ truyền thời hậu Lê.

3. Đền thờ Trần Nguyên Đán (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)
Đền thờ Trần Nguyên Đán
Đền thờ Trần Nguyên Đán 


Đền được tu bổ, tôn tạo lại theo kiến trúc thời Trần, hình chữ Đinh, gồm bái đường và hậu cung. Kiến trúc bái đường theo hai tầng tám mái, lợp ngói mũi. Trong hậu cung, tượng thờ Trần Nguyên Đán được đúc bằng đồng. Cạnh đền thờ là dấu tích nền nhà cũ của quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán, đã khai quật khảo cổ năm 2000, được bảo tồn nguyên trạng.

4. Ngũ nhạc linh từ (thuộc địa bàn thôn An Mô, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Ngũ nhạc linh từ
Ngũ nhạc linh từ
Ngũ Nhạc linh từ là năm ngôi miếu thờ thần Ngũ phương nằm trên đỉnh núi Ngũ Nhạc. Núi Ngũ Nhạc là dãy núi xoải dài từ Bắc xuống Nam với chiều dài hơn 4 km, có năm đỉnh, đỉnh cao nhất 238m, nằm về phía Đông Bắc của Côn Sơn. Các ngôi miếu đều được xây dựng bằng các khối đá xanh, kiến trúc lộ thiên.

5. Am Bạch Vân (Bàn cờ tiên), (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Am bạch vân
Am bạch vân
Đỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, thời Trần Đệ nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa Tôn Giả xây dựng Am Bạch Vân làm nơi thuyết pháp. Ở đây xuất lộ nền móng một công trình kiến trúc cổ, hình chữ Công, qua khảo cứu, đó là dấu tích của Am Bạch Vân để tế trời đất, sông núi, sau dân gian gọi là Bàn Cờ Tiên. Hiện nay, tại Bàn Cờ Tiên có dựng một nhà bia theo kiến trúc vọng lâu đình, hai tầng tám mái cổ kính. Từ chùa Côn Sơn lên Bàn Cờ Tiên có hàng trăm bậc đá từ nhiều thế kỷ trước, nay đã được khôi phục gồm trên 600 bậc.

6. Đăng Minh bảo tháp (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Đăng Minh bảo tháp
Đăng Minh bảo tháp 
Phía sau chùa Côn Sơn là Đăng Minh bảo tháp. Sau khi Tổ Huyền Quang viên tịch tại chùa Côn Sơn (1334), vua Trần Minh Tông cúng dường 10 lạng vàng xây tháp cho thiền sư, lấy tên là Đăng Minh bảo tháp, trải qua thời gian, tháp bị hủy hoại. Năm 1719, nhà sư Hải Ấn xây dựng lại Đăng Minh bảo tháp. Đăng Minh bảo tháp hình chữ nhật, 3 tầng cao khoảng 5m được ghép bởi những phiến đá xanh, lên cao tháp thu nhỏ dần. Tầng giữa khắc nổi 4 chữ Hán Đăng Minh Bảo Tháp, mặt sau khắc bài minh ca ngợi Huyền Quang.

7. Hồ Côn Sơn (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Hồ Côn Sơn có diện tích 43 ha, với sức chứa hàng trăm ngàn mét khối nước. Bao quanh hồ là hệ thống đường dạo, cây cảnh. Hồ Côn Sơn là minh đường của khu di tích Côn Sơn. Vào những ngày lễ hội, tại đây diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như: rước nước, đua thuyền, câu cá… thu hút khách thập phương.

8. Suối Côn Sơn (thuộc địa bàn Khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Bắt nguồn bởi hai dãy núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc, dài khoảng 3 km uốn lượn tạo nhiều ghềnh thác kế tiếp nhau rồi đổ ra hồ Côn Sơn. Dòng suối hẹp, cây cối um tùm mang dáng vẻ hoang sơ, thơ mộng.

9. Đền Kiếp Bạc (thuộc địa bàn thôn Vạn Yên xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Đền Kiếp Bạc thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn là con An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Trần Quốc Tuấn có công lao to lớn trong 3 cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên Mông ở thế kỷ 13 của vương triều nhà Trần.

Đền Kiếp Bạc được xây dựng nằm ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc trên một khu đất có diện tích khoảng 13.500m2. Đền quay về hướng tây nam, nhìn ra sông Lục Đầu.

10. Sinh từ (thuộc địa bàn thôn Vạn Yên, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Sinh Từ cách đền Kiếp Bạc 800m về phía Đông Bắc. Sau khi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông kết thúc thắng lợi, để ghi nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Vương, vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng đền thờ ngay khi Người còn sống gọi là Sinh Từ, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân viết bi minh ca ngợi công lao của Đại Vương. Sinh Từ hiện chỉ còn là phế tích.

11. Đền Nam Tào (thuộc địa bàn thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Đền Nam Tào thờ quan Nam Tào trên đỉnh núi Nam Tào còn gọi là Dược Sơn ở độ cao 42m, cách đền Kiếp Bạc 500m về phía Tây nam. Qua tư liệu khảo cổ học, văn bia, truyền thuyết dân gian thì di tích được xây dựng vào thời Trần.. Đền Nam Tào hiện nay được xây dựng trên một không gian thoáng với diện tích trên 2.000m2.

12. Đền Bắc Đẩu (thuộc địa bàn thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Đền Bắc Đẩu quay hướng Tây bắc, lấy núi Dinh (núi Đáp Cầu - Bắc Ninh) làm tiền án, hậu chẩm là núi Mâm Xôi thuộc dãy núi Trán Rồng. Tả có núi Dược Sơn, hữu là núi Thuộc (núi con Quy). Nội minh đường là sông Lục Đầu.

Đền Bắc Đẩu thờ quan Bắc Đẩu, hiện nay được xây dựng trên đỉnh núi Bắc Đẩu trong một không gian thoáng rộng gồm 11 hạng mục chính: Nghi môn, gác chuông, gác trống, tả hữu hành lang, đền chính và nhà hậu đường, công trình phụ cận… Bố cục kiến trúc và họa tiết trang trí hài hoà uyển chuyển cùng phong cách của đền Nam Tào.

13. Vườn thuốc Dược Sơn (thuộc địa bàn thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Dược Lĩnh Cổ Viên là vườn thuốc nam do Trần Hưng Đạo trồng trên núi Dược Sơn. Núi Dược Sơn nằm ở phía nam đền Kiếp Bạc. Thời Trần, Hưng Đạo Vương với tư tưởng "Người Nam dùng thuốc nam" đã cho trồng những vườn thuốc nam, với những vị thuốc quý để chữa bệnh, trị thương cho quân sỹ. Vườn thuốc quý của Trần Hưng Đạo đến thời Lê được xếp vào "Chí Linh bát cổ" (8 di tích cổ của huyện Chí Linh) với tên gọi Dược Lĩnh cổ viên.

14. Ao Cháo (thuộc địa bàn thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Ao Cháo nằm phía dưới chân núi Trán Rồng, Tương truyền, Trần Hưng Đạo đã tập trung quân sỹ đào ao, đón nước từ Hố máng nước để nấu cháo dưỡng thương cho binh lính. Hiện nay di tích đã bị hư hại chỉ là phế tích.

2.5.15. Sông Vang - Xưởng thuyền (thuộc địa bàn thôn Vạn Yên, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Sông Vang, Xưởng Thuyền là di tích nằm trên cánh đồng Vạn Yên cách đền Kiếp Bạc 1000m về phía Bắc. Trần Hưng Đạo đã cho quân sỹ đào sông Vang ở trung tâm Đại bản doanh làm đường thuỷ trong khu vực nội địa của thái ấp Vạn Kiếp. Tại sông Vang, Hưng Đạo Vương cho xây dựng Xưởng Thuyền để đóng, sửa chữa và cất giấu thuyền chiến. Hai di tích này hiện nay chỉ còn dấu vết mờ nhạt.

16. Hố Thóc (thuộc địa bàn thuộc thôn Cung Bẩy, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Di tích Hố Thóc cách đền Kiếp Bạc 2 km về phía Đông Nam. Nằm trong thung lũng lòng chảo rộng 1ha, xung quanh có núi bao bọc, đây là địa hình thuận lợi được Hưng Đạo Vương chọn là nơi cất giữ lương thảo. Lương thực từ các vùng lân cận do Thiên Thành công chúa phu nhân Trần Hưng Đạo phụ trách được vận chuyển theo ngòi Mo về Hố Thóc dự giữ và cất giấu.

17. Viên Lăng (thuộc địa bàn thôn Vạn Yên, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Viên Lăng là gò đất hình tròn, cao 5m, diện tích khoảng trên 200m2, nằm ở khu vực trung tâm của thung lũng Vạn Kiếp, cách đền Kiếp Bạc khoảng 300m về phía Đông nam. Vị trí của Viên Lăng, phía Tây bắc (qua hồ Lăn) là đền Kiếp Bạc, phía Nam là núi Nam Tào, phía Đông là núi Trán Rồng, phía Tây là sông Lục Đầu. Xung quanh Viên Lăng là ruộng trũng, phía trước nhìn ra hồ đền Kiếp Bạc và sông Thương, phía sau là dãy núi Rồng bao bọc. Viên Lăng được ví như một viên ngọc càm trước miệng rồng (núi rồng). Viên Lăng, tương truyền là nơi đặt lăng mộ Đức Thánh Trần. Năm 2000, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã đào thám sát khảo cổ học tại Viên Lăng. Kết quả đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc nhà ở và một số hiện vật thời Trần.

18. Núi trán rồng (thuộc địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Núi Trán Rồng là hậu chẩm của đền Kiếp Bạc. Núi Trán Rồng cùng với Lục Đầu giang tạo nên phong cảnh hữu tình, đối đãi âm dương hoà hợp, làm cho vùng Vạn Kiếp vừa linh thiêng vừa hùng vĩ. Núi Trán Rồng, là điểm dừng long mạch, khởi nguồn từ Tổ sơn Yên Tử phát về. Trên sườn núi có hàng loạt các di tích, di chỉ khảo cổ thời Trần như: Mộ cổ, Ao cháo, Hố chân bia, Đường gánh gạch...

19. Sông Lục Đầu (thuộc địa bàn thuộc xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Là nơi đã diễn ra trận Vạn Kiếp lịch sử, năm 1285, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ 2. Sông Lục Đầu là cửa ngõ đi - về giữa kinh đô Thăng Long và biển Đông; là cầu nối giao thoa văn hoá của xứ Bắc, xứ Đông và kinh đô Thăng Long... Vì thế dọc tuyến sông Lục Đầu đã hình thành hệ thống di tích lịch sử văn hoá của các thời kỳ như: Chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La), Đền Nhạn thờ Trương Hống, Trương Hát; đình Làng Vạn, chùa Tạng, đền Cổ Phao thờ Yết Kiêu, đền Kiếp Bạc, đền Khánh Vân, chùa Phả Lại thờ Khổng Minh Không; Đình Chí Linh thờ Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương; đền chùa Cao Đức thờ Cao Lỗ…

20. Chùa Thanh Mai (thuộc địa bàn thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Chùa Thanh Mai được xây dựng trên núi Phật Tích Sơn thuộc cánh cung Đông Triều. Chùa Thanh Mai được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIV), gắn với thân thế của Đệ nhị tổ dòng thiền Trúc Lâm là Pháp Loa Tôn giả. Theo văn bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” niên hiệu Đại Trị thứ 5 (1362) thì Pháp Loa sinh năm 1284 tại thôn Đồng Hòa, xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm Hưng Long thứ 12 (1304), Pháp Loa 21 tuổi, được Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông cho theo làm đệ tử, xuất gia tu hành tại chùa Côn Sơn. Năm 1305, được ban hiệu là Pháp Loa. Năm 1307, tại am Ngọa Vân trên núi Yên Tử, Pháp Loa được Điều Ngự Trần Nhân Tông đặc phong kế thế trụ trì làm tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm. Ngày 3 tháng 3 âm lịch năm 1330, thiền sư Pháp Loa viên tịch, vua Trần ban pháp hiệu: Phật Tích Sơn, Thanh Mai Thiền Viện, Viên Thông Bảo Tháp, Đệ Nhị Thánh Tổ Trúc Lâm Đầu Đà Pháp Loa Tôn Giả, Quốc Tứ Đặc Phong Tịnh Trí Giác Phổ Tuệ Thiền Tọa Hạ. Triều đình xuất ngân khố 10 lạng vàng để xây Viên Thông Bảo Tháp tại chùa Thanh Mai.

Theo văn bia “Trùng tu Phật Tích Sơn Thanh Mai tự bi ký”, chùa Thanh Mai được xây dựng, mở rộng quy mô lớn ở thế kỷ XVII, XVIII.

Đăng nhận xét

 
Top