0

Tổng Quan Khu di tích lịch sử Bạch Đằng

      Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng là nơi ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trần Hưng Đạo đã đánh tan quân Nguyên Mông ngày 09/4 (8/3 âm lịch) năm 1288.
Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng nằm ở tả ngạn sông Bạch Đằng và chi lưu sông Chanh, sông Rút, sông Kênh trên phạm vi rộng 153ha, gồm: Bãi cọc Yên Giang; Bến đò rừng; đền Trần Hưng Đạo; miếu Vua Bà; đình Yên Giang thuộc phường Yên Giang. Bãi cọc Đồng Vạn Muối; Bãi cọc Đồng Má Ngựa; Đền Trung Cốc thuộc phường Nam Hòa. Đình Trung Bản thuộc xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên và đình đền Công thuộc xã Điền Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là trận quyết chiến lớn nhất của quân và dân nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông. Trận chiến thắng này phá tan âm mưu lấy Đại Việt làm căn cứ xâm lược các nước phương Nam, ngăn chặn sự bành trướng của đế quốc Nguyên Mông xuống miền Đông Nam Á. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo và những chiến thắng khác đã khẳng định sự tồn tại vững vàng, khẳng định sức mạnh không thể nào lay chuyển được của quân dân Đại Việt.

Một số di tích tiêu biểu trong khu vực di tích lịch sử Bạch Đằng:

1. Bãi cọc Yên Giang  (thuộc địa bàn phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)
Bãi Cọc Yên Giang
Bãi Cọc Yên Giang
Di tích này được khai quật khảo cổ học vào các năm 1958, 1969, 1976 đã cho thấy những cọc gỗ tìm thấy ở đây đa số là gỗ lim, táu còn nguyên cả vỏ, dài từ 2,6-2,8m, phần đẽo nhọn để cắm xuống bùn dài từ 0,5 - 1m. Cọc được cắm hơi nghiêng về phía sông Bạch Đằng, theo hướng thủy trực với dòng sông Chanh và nghiêng 1 góc 75o về phía nội địa. Ngoài ra, còn phát hiện thêm một số vồ đóng cọc bằng gỗ, đường kính 20 cm - 25 cm, dài 1,2 - 1,5m được buộc vào ròng rọc, kéo lên, đóng xuống như búa máy.
2. Bãi cọc Đồng Vạn Muối (thuộc địa bàn phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)
Vào thời Trần, bãi cọc này nằm ở cửa sông Rút. Do thời gian và sự bồi lắng của dòng sông, hiện nay, bãi cọc nằm trong đầm nước nuôi thủy sản và ruộng lúa, thuộc xứ Đồng Vạn Muối, khu Đồng Cốc, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên. Nhiều dấu tích cọc gỗ được nhân dân phát hiện ở đây trong quá trình canh tác, đào ao thả cá. Vào các năm 1958, 1969, 1976, 1984, 1988, di tích này đã được khảo sát và nhiều dấu tích cọc gỗ được phát lộ.
3. Bãi cọc Đồng Má Ngựa (thuộc địa bàn phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)
Vào thời Trần, bãi cọc này nằm ở cửa sông Kênh. Bãi cọc này nằm cách bãi cọc Đồng Vạn Muối khoảng 1 km về hướng Nam, thuộc khu Hưng Học, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên. Năm 2010, các nhà khảo cổ đã tiến hành khảo sát và khai quật khảo cổ học cho thấy độ sâu của cọc khoảng 2 - 2,3m so với bề mặt hiện tại. Kích thước của các cọc gỗ có đường kính từ 6 – 22 cm.
4. Đền Trần Hưng Đạo (thuộc địa bàn phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)
Là di tích lưu niệm anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời là di tích lưu niệm sự kiện lẫy lừng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của người dân Đại Việt - chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Đền thời Trần Hưng Đạo
Đền thời Trần Hưng Đạo

Đền tọa lạc trên một doi đất cổ, phía Đông là cánh đồng lúa, phía Tây giáp miếu Bà, cây Quếch cổ thụ, bến đò rừng cổ và sông Bạch Đằng, phía Nam giáp đường 10 (cũ) đi Phà Rừng, phía Bắc là phần còn lại của doi đất cổ.
5. Miếu Vua Bà (thuộc địa bàn phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)
Nằm sát đền Trần Hưng Đạo, trong khu vực trung tâm của Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Miếu thờ bà bán hàng nước. Xưa kia trước cửa miếu là bến đò rừng cổ. Tương truyền, trên bến đò, dưới cây Quếch cổ thụ có một bà bán hàng nước phục vụ khách qua sông. Bà đã mách với Trần Hưng Đạo lịch triều con nước và địa thế lòng sông Bạch Đằng và chiến thuật hỏa công để Trần Hưng Đạo xây dựng trận cọc đánh giặc Nguyên Mông. Sau chiến thắng, Trần Hưng Đạo tâu với vua, sắc phong cho bà bán nước là “Vua Bà” và lập đền thờ ngay trên nền quán nước.
6. Bến đò rừng (thuộc địa bàn phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)
Nằm ở tả ngạn sông Bạch Đằng, trước cửa miếu Vua Bà và cây Quếch cổ thụ. Bến đò là nơi đưa khách qua sông nên được nhân dân gọi là bến Đò Rừng. Nay bến đò được xây dựng ở địa điểm mới cách bến đò cũ khoảng 1 km về phía Nam. Là nơi Trần Hưng Đạo chọn làm địa điểm phát hỏa làm hiệu lệnh cho quân sĩ mai phục ở hai bên sông Bạch Đằng đồng loạt tấn công.
7. Đình Yên Giang  (thuộc địa bàn phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)
Đình nằm ở giữa khu dân cư của phường Yên Giang, là nơi thờ Thành hoàng làng Yên Giang. Đền Trần Hưng Đạo ở bến Đò Rừng là nơi ngự thường xuyên của Thành Hoàng làng. Đình trước kia được xây dựng trên 1 gò đất cao, xung quanh là ruộng đồng. Nay, đình Yên Giang cách bãi cọc Bạch Đằng ở Đầm Nhử Yên Giang khoảng 1,5 km, cách đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà và bến Đò Rừng khoảng 2,5 km về hướng Tây Nam.
ĐÌnh Yên Giang
ĐÌnh Yên Giang

8. Đền Trung Cốc (thuộc địa bàn phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)
Đền có tên gọi là “Trung Cốc từ” nằm trên một gò đất cao. Tương truyền, khi đi thị sát địa hình để chuẩn bị cho trận đánh, Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão đã bị mắc thuyền ở đây. Để ghi nhớ sự kiện này, sau chiến thắng năm 1288 những người dân chài ở đây đã lập đền thờ Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão. Đền còn thờ 2 vị tướng quân là Yết Kiêu và Dã Tượng cùng 2 người con gái của Trần Hưng Đạo là Đệ nhất Quyên Thanh công chúa và Đệ nhị Đại hoàng công chúa. Gần đây, nhân dân mới đưa thêm con trai thứ 3 của Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Tảng vào thờ ở đình Trung Cốc.
9. Đình Trung Bản  (thuộc địa bàn xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)
Đình Trung Bản toạ lạc trên gò đất cao, phía sau đình là chùa và miếu Tiên Công Trung Bản. Tương truyền, trong trận đánh giặc Nguyên Mông tại một gò đất cao ở làng Trung Bản, Trần Hưng Đạo đã bị sổ tóc ra và ông đã chống kiếm xuống đất để búi lại tóc. Sau ngày chiến thắng, nhân dân đã lập đền thờ Trần Hưng Đạo ngay trên gò đất ấy. Sau này nhân dân đã lập đình ngay trên nền cũ của đình. Từ đó nhân dân gọi là đình Trung Bản.
10. Đình Đền Công (thuộc địa bàn xã Điền Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh)
Đình Đền Công tọa lạc trên 1 gò đất cao, gọi là đượng đất Cu Linh - Cây Giêng, nhìn ra sông Bạch Đằng và dãy núi Tràng Kênh (Hải Phòng), cách nơi xảy ra chiến trận Bạch Đằng năm 1288 khoảng 500m về hướng Nam. Đình thờ Trần Hưng Đạo và ngũ vị Đại tướng quân là Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương, Nam Hải Tôn Thần, Phi Bồng tướng quân và Bạch Thạch tướng quân (5 vị thần này được chuyển từ miếu Cu Linh sang đình Đền Công sau khi miếu bị hư hại).
nguồn : wikipedia

Đăng nhận xét

 
Top